Theo đó, lĩnh vực hàng không được bỏ 47 điều kiện, sửa 11 điều kiện, đạt 74,36%. Đáng chú ý là bỏ điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong 5 năm kể từ ngày dự kiến bắt đầu kinh doanh, vì phương án kinh doanh là vấn đề quản lý hoạt động của doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự chủ.

Lĩnh vực hàng không bỏ 47 điều kiện, sửa 11 điều kiện, đạt 74,36%. Đáng chú ý là bỏ điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác trong 5 năm kể từ ngày dự kiến kinh doanh, vì phương án kinh doanh là vấn đề quản lý hoạt động của doanh nghiệp, để doanh nghiệp tự chủ. Ảnh: S.T

Tháo bỏ “boong ke”

Cuối tháng 3/2018, Tập đoàn FLC (Mã: FLC), đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về việc mua 24 máy bay A321NEO với Tập đoàn Airbus có giá trị lên đến 3 tỷ USD phục vụ cho hãng hàng không Bamboo Airways của Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines). Động thái này rỏ rõ quyết tâm, tham vọng của FLC trong việc tham gia vào thị trường hàng không. Tuy nhiên, để có được động thái này, Hãng hàng không này đã nộp đơn xin cấp giấy phép kinh doanh từ tháng 6/2017.

Đây chỉ là một trong những câu chuyện về những vướng mắc trong điều kiện kinh doanh. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký Quyết định số 767 công bố phương án cắt giảm, trong đó, lĩnh vực hàng không được dẫn đầu với số danh mục cắt giảm, đơn giản lên tới 74,36%, kế đến là đường sắt với 73,08%.

Lĩnh vực đường bộ đứng thứ 3 với số điều kiện cắt giảm, đơn giản tương đương 68,5%, đường thủy là 67,34%, hàng hải 65,08%, lĩnh vực đăng kiểm cơ giới đường bộ (61,43%); kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức và kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm (61,74%)…

Với quyết định khá bất ngờ và quyết liệt này, Bamboo Airways có thể đàng hoàng cất cánh sớm hơn dự kiến đầu năm 2019. Không chỉ mở ra cơ hội với trường hợp cụ thể của Bamboo Airways nói riêng, hàng không nói chung mà đường sắt, đường bộ, đường thuỷ cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Đặc biệt Quyết định số 767 có thể sẽ làm rộng đường hơn cho các nhà soạn Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP.

Cắt cũ không nới mới

Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ căn cứ vào phương án cắt giảm, đơn giản và kiến nghị thực thi ban hành kèm theo Quyết định, nhanh chóng triển khai việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định bổ sung Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GTVT năm 2018 để kịp trình Chính phủ ban hành trước ngày 30/10/2018.

Đặc biệt, song song với việc cắt giảm, đơn giản hóa không làm phát sinh thêm các điều kiện gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hiện, Bộ GTVT có 28 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 5 Luật (Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Giao thông đường bộ, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Luật Đường sắt Việt Nam) và được quy định chi tiết tại 20 nghị định của Chính phủ với 570 điều kiện đầu tư kinh doanh.

Như vậy sau Bộ Công thương, Bộ GTVT là Bộ mạnh tay cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo môi trường thông thoáng. Đây là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh ngành giao thông đang cần huy động nguồn lực rất lớn đầu tư phát triển. Quyết định trên cũng góp phần thực hiện Nghị quyết số 01/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Trong đó, các bộ, ngành được giao cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.

Nguồn : Diễn đàn doanh nghiệp